Đừng lo lắng! MG Cầu Giấy sẽ giúp bạn giải mã hơn 20 biểu tượng trên xe ô tô về cảnh báo phổ biến nhất trên taplo xe ô tô, giúp bạn xử lý tình huống hỏng xe một cách bình tĩnh và hiệu quả.
1. Nhóm biểu tượng cảnh báo nguy hiểm trên taplo ô tô
Thông thường các biểu tượng trên xe ô tô ở bảng đồng hồ điện tử sẽ được thể hiện bằng màu đỏ để chỉ ra mức độ cảnh báo cao nhất, đồng thời nhấn mạnh tình trạng nguy hiểm. Chúng có thể xuất hiện trên màn hình phụ hoặc trên bảng đồng hồ của xe để người lái dễ dàng nhận biết.
1.1. Biểu tượng đèn phanh tay
Nếu đèn báo phanh tay liên tục sáng, có khả năng bạn chưa nhả phanh tay (hoặc phanh khẩn cấp). Đèn này sẽ ở trạng thái sáng để nhắc bạn rằng phanh tay đang được kích hoạt. Tuy nhiên, nếu đèn vẫn sáng dù đã nhả phanh tay, điều này báo hiệu có lỗi kỹ thuật.
Đôi khi, đèn báo phanh cũng có thể sáng do công tắc trên bàn đạp phanh tay hoặc cần gạt không được điều chỉnh chính xác. Trong trường hợp này, hệ thống phanh vẫn hoạt động bình thường và chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ để giải quyết vấn đề.
Khi đèn báo phanh trên bảng điều khiển nhấp nháy hoặc sáng liên tục, đây là dấu hiệu cho thấy có sự mất mát áp suất thủy lực ở một phần của hệ thống phanh, hoặc mức độ chất lỏng phanh trong xi-lanh chính quá thấp và có thể gây nguy hiểm (có thể do rò rỉ chất lỏng ở đâu đó trong hệ thống phanh).
Trong cả hai trường hợp này, việc kiểm tra và bổ sung dầu trong xi-lanh chính là cần thiết. Thêm dầu phanh vào bình chứa có thể giúp giải quyết vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, nếu có rò rỉ, dầu sẽ tiếp tục bị hao hụt và đèn báo sẽ lại sáng, cảnh báo rằng vấn đề chưa được khắc phục hoàn toàn.
1.2. Biểu tượng túi khí
Đèn báo hệ thống túi khí/Airbag/SRS trên xe hơi là một chỉ báo quan trọng của hệ thống an toàn, được thiết kế để bảo vệ người lái và hành khách khỏi chấn thương trong các tình huống va chạm. Khi đèn này sáng lên, nó báo hiệu rằng hệ thống túi khí/Airbag/SRS của xe có thể đang gặp phải một sự cố hoặc lỗi kỹ thuật cần được kiểm tra và sửa chữa.
Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng đèn túi khí phát sáng là: Túi khí bị hỏng, pin túi khí hết điện, chốt đai an toàn bị lỗi, bộ phận cảm biến bị lỗi. Khi gặp hiện tượng này, bạn có thể tiếp tục di chuyển nhưng cần mang xe ra gara sớm nhất để kiểm tra lỗi. Nếu để lâu sẽ gây nguy hiểm trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí không hoạt động.
1.3. Biểu tượng đèn nhiệt độ động cơ
Đèn cảnh báo nhiệt độ phát sáng khi động cơ xe quá nóng, điều này thường xảy ra do sự tỏa nhiệt từ quá trình đốt cháy trong xi-lanh và ma sát giữa các bộ phận động cơ. Tình trạng này có thể gây ra ứng suất nhiệt cao, làm giảm hiệu quả bôi trơn của dầu nhờn, dẫn đến hư hỏng các bộ phận động cơ và có thể dẫn đến hiện tượng piston bị kẹt, gây cháy hoặc nổ trong động cơ xăng.
Khi gặp trường hợp này, bạn cần nhanh chóng đỗ xe vào dưới bóng mát, mở nắp ca-pô để khí nóng thoát ra ngoài.
1.4. Biểu tượng báo hiệu dây an toàn
Biểu tượng này sẽ hiện màu đỏ để cảnh báo khi người ngồi ở hàng ghế trước chưa đeo dây an toàn trong khi xe đang chạy. Trên một số loại xe, không chỉ có đèn báo sẽ sáng, mà còn có âm thanh cảnh báo kèm theo và sẽ tiếp tục cho đến khi dây an toàn được thắt chặt. Biểu tượng cảnh bảo này sẽ nhắc nhở bạn nên thắt dây an toàn khi ngồi hàng ghế trước khi lái xe.
1.5. Biểu tượng cảnh báo trợ lực lái điện
Đèn cảnh báo EPS (hay đèn cảnh báo trợ lực lái điện) cho biết hệ thống tay lái trợ lực đang có sự cố và bị vô hiệu hóa. Hệ thống lái này được tăng cường với trợ lực, hoạt động bằng bơm thủy lực hoặc bơm điện để đưa dầu vào các buồng, tạo ra sự nhạy bén hơn trong việc điều khiển vô lăng và phản hồi từ bánh xe, giúp việc lái xe trở nên dễ dàng hơn.
Trong các trường hợp đèn cảnh báo EPS sáng, một nguyên nhân thường gặp là do mức dầu trong bình trợ lực lái quá thấp. Bạn chỉ cần bổ sung dầu vào hệ thống để đèn tắt. Nhưng, nếu vấn đề không liên quan đến mức dầu mà do sự rò rỉ hoặc lỗi khác thì bạn cần đưa xe đến gara để được sửa chữa.
Với hệ thống trợ lực lái điện, bạn hãy thử khởi động lại xe sau khoảng 30 giây có thể giúp giải quyết sự cố. Nếu đèn vẫn không tắt, bạn cần sự tư vấn của người có chuyên môn để hệ thống trợ lực hoạt động bình thường.
Về việc lái xe khi đèn cảnh báo EPS vẫn sáng là không an toàn. Bạn không nên tiếp tục điều khiển xe cho đến khi sự cố được xử lý, vì lúc đó việc lái xe sẽ trở nên khó khăn và có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
1.6. Biểu tượng cảnh báo lỗi ắc quy
Khi đèn báo ắc quy trên bảng điều khiển xe hơi bật sáng, điều này thường chỉ ra rằng pin xe không nhận được sạc do xảy ra sự cố trong hệ thống ắc quy hoặc hệ thống máy phát điện. Việc này có thể xuất hiện do các lỗi như dây cáp ắc quy bị hỏng, hao mòn hoặc do lỗi từ bộ điều chỉnh điện áp dẫn đến việc xe không thể khởi động.
Khi rơi vào trường hợp này, xe ô tô vẫn hoạt động bình thường cho đến lúc hết pin, tài xế cần nhanh chóng giải quyết ngay. Khi tháo ắc quy, cần tắt máy xe hoàn toàn để tránh hệ thống xe bị chết càng khiến tình trạng thêm tồi tệ. Sau đó, mang ắc quy đi sạc đầy hoặc mang ra gara nếu biểu tượng vẫn tiếp tục phát sáng.
1.7. Biểu tượng báo mở cửa xe
Biểu tượng này sáng đèn khi một hoặc nhiều cửa xe chưa được đóng kín đúng cách, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bạn cần kiểm tra và đóng kín tất cả các cửa xe trước khi khởi hành để đảm bảo an toàn cho người trong xe và các phương tiên khác đang di chuyển.
1.8. Biểu tượng báo nắp capo mở
Nắp capo là bộ phận nằm ở phía trước đầu xe, có công dụng bảo vệ các động cơ của xe. Khi biểu tượng báo nắp capo mở báo hiệu nắp capo chưa được đóng kín đúng cách hoặc chốt capo phụ bị hỏng, bị kẹt.
Tài xế cần kiếm tra lại và đóng kín nắp capo để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Còn nếu nắp capo bị hỏng, bị kẹt, tài xế có thể xử lý như sau: kéo từ từ cho chốt phụ vào đúng vị trí mở hoặc cũng có thể dùng một vật gì đó nhọn như tua vít để cạy chốt ra, sau đó đóng lại như bình thường.
1.9. Biểu tượng báo cốp mở
Đôi lúc, bác tài thường không chú ý quên không đóng cốp sau xe. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn phía sau của tài xế mà còn khiến hàng hóa trên xe bị vương vãi gây nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển phía sau. Để tránh bị xử phạt hành chính, tài xế cần kiểm tra và đóng cốp xe trước khi lăn bánh.
2. Nhóm biểu tượng cảnh báo lỗi cần kiểm tra trên taplo ô tô
Trong bảng điều khiển của xe hơi, các biểu tượng trên xe ô tô cảnh báo lỗi thường được hiển thị bằng màu vàng. Mục đích của chúng là để thông báo cho người lái xe rằng có một vấn đề kỹ thuật đang xảy ra với chiếc xe. Do đó, tài xế cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý các vấn đề này để đảm bảo an toàn khi lái xe.
2.1. Biểu tượng cảnh báo động cơ khí thải
Biểu tượng lỗi động cơ thường liên quan đến các vấn đề kỹ thuật trong hệ thống hoạt động của xe. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý các lỗi này là điều cần thiết. Khi hệ thống OBD II (On-Board Diagnostics) của xe phát hiện sự cố trong hệ thống xử lý khí thải, đèn Check Engine sẽ bật hoặc nhấp nháy.
Hệ thống OBD II giám sát và báo cáo về bất kỳ sự biến đổi nào trong lượng khí thải của xe. Nếu phát hiện sự biến đổi đó không được giải quyết trong chuyến đi tiếp theo, hệ thống sẽ lưu một mã lỗi và kích hoạt đèn cảnh báo. Bạn có thể dùng một thiết bị quét đặt vào cổng chẩn đoán của xe để xác định nguyên nhân lỗi.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến đèn báo động cơ sáng bao gồm: hỏng dây cao áp hoặc bộ chia điện, bugi không hoạt động, cảm biến gió bị lỗi, van nhiệt độ hỏng, nắp bình xăng không kín, lỗi bộ lọc khí thải, cảm biến oxy không làm việc, hỏng van điều khiển lọc khí, v.v.
Trong trường hợp đèn báo lỗi động cơ sáng mà không có bất kỳ cảnh báo khác, bạn vẫn có thể tiếp tục lái xe, vì lỗi này có thể không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, để tránh gây hại lớn cho động cơ, đưa xe đến gara bảo dưỡng sớm là hoàn toàn cần thiết.
2.2. Biểu tượng cảnh báo bộ lọc hạt diesel
Đèn báo của bộ lọc hạt diesel (hay DPF) thường xuất hiện trên xe diesel khi bộ lọc này gặp sự cố như tích tụ cặn hoặc các vấn đề khác. Bộ lọc này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nước và nhiên liệu hòa lẫn vào nhau, bảo vệ động cơ khỏi mài mòn. Nước tích tụ trong bộ lọc cần được loại bỏ để không lẫn vào nhiên liệu và gây hại cho hệ thống.
Xe cũng được trang bị cảm biến để cảnh báo người dùng khi nước trong bộ lọc đạt mức cao nhất định. Việc loại bỏ lượng nước này có thể thực hiện bằng cách mở van ở đáy bộ lọc. Mặc dù trên nhiều dòng xe hiện đại có bộ lọc tự động loại bỏ nước, nhưng nếu đèn cảnh báo sáng, bạn vẫn nên đưa xe đi kiểm tra sớm để tránh tình trạng tắc van.
Trong trường hợp khẩn cấp, xe vẫn có thể hoạt động khi đèn cảnh báo sáng, nhưng việc loại bỏ nước khỏi bộ lọc là cần thiết và cần được thực hiện ngay lập tức để tránh nước thấm vào động cơ, có thể gây hư hại nghiêm trọng cho hệ thống.
2.3. Biểu tượng báo áp suất lốp ở mức thấp nhất
Đèn cảnh báo áp suất lốp, hay còn được biết đến với tên gọi đèn TPMS, có biểu tượng hình móng ngựa và dấu chấm than bên trong, nhằm thông báo rằng áp suất trong lốp xe đang thấp hơn mức bình thường. Hiện tượng này xuất hiện khi lốp xe bị mất hơi hoặc gặp sự cố kỹ thuật, điều này có thể gây ra sự mòn lốp nhanh chóng và nguy hiểm hơn là việc lốp bị nổ.
Khi lái xe với áp suất lốp không đủ, điều này làm giảm khả năng kiểm soát và truyền lực của bánh xe trên đường, dẫn đến việc lốp mòn và hỏng nhanh hơn. Trong trường hợp cần thiết phải lái xe trong tình trạng này, bạn nên giữ tốc độ ổn định, tránh phanh đột ngột và chọn lộ trình trên những con đường phẳng để đảm bảo an toàn.
2.4. Biểu tượng cảnh báo phanh chống bó cứng
Đèn cảnh báo của hệ thống phanh chống bó cứng ABS (Anti-lock Brake System) sẽ thông báo cho người lái về các sự cố trong hệ thống phanh tiên tiến này, giúp giảm tốc độ và dừng xe an toàn, đồng thời ngăn chặn việc bánh xe bị khóa khi phanh gấp.
Các vấn đề có thể bao gồm lỗi cảm biến tại các bánh xe, hư hỏng dây dẫn hoặc các trục trặc khác như cầu chì hệ thống ABS bị hỏng, cảm biến tốc độ bánh xe có vấn đề, lỗi ở roto cảm biến ABS, hộp điều khiển điện tử ECU hỏng hoặc sự cố ở bộ chấp hành thủy lực.
Khi đèn ABS sáng trên bảng điều khiển trong quá trình lái, bạn vẫn có thể sử dụng phanh theo cách thông thường nhưng không được hỗ trợ bởi hệ thống phanh ABS. Điều này làm giảm độ an toàn trong lái xe, vì vậy, người lái nên duy trì khoảng cách an toàn và tốc độ ổn định khi di chuyển, đồng thời nên đưa xe đến gara để kiểm tra sớm nhất có thể.
2.5. Biểu tượng cảnh báo tắt hệ thống cân bằng điện tử
Hệ thống kiểm soát ổn định điện tử ESC có chức năng bảo vệ an toàn cho người lái khi xe có nguy cơ mất kiểm soát, bằng cách can thiệp vào hệ thống phanh và quản lý công suất của động cơ. Khi đèn ESC xuất hiện trên bảng đồng hồ của xe, điều này có nghĩa là hệ thống đã không còn hoạt động do lỗi kỹ thuật hoặc bạn có thể đã tắt nó một cách không cố ý.
Nếu đèn ESC vẫn sáng sau khi bạn dừng và khởi động lại xe, bạn nên mang xe đến gara để được kiểm tra. ESC là một tính năng an toàn quan trọng giúp đảm bảo sự an toàn khi lái xe, đặc biệt trong các tình huống khó khăn.
2.6. Biểu tượng cảnh báo má phanh
Đèn báo lỗi má phanh sẽ sáng lên khi cảm biến trên xe nhận thấy má phanh của bạn đã mòn quá mức an toàn. Khi điều này xảy ra, biểu tượng đèn báo trên bảng đồng hồ của xe sẽ hiện lên, thông báo cho bạn biết rằng đã đến lúc cần thay thế má phanh. Việc thay thế má phanh ngay lập tức là cần thiết để ngăn chặn tình trạng mòn quá mức, đảm bảo an toàn khi lái xe.
3. Nhóm biểu tượng thông báo khi sử dụng trên taplo ô tô
Các biểu tượng trên taplo ô tô thông báo tình trạng sử dụng của xe thường có màu xanh lá cây hoặc màu xanh da trời.
3.1. Biểu tượng báo nhấn chân côn
Khi biểu tượng này sáng đèn có nghĩa là tài xế đạp chân côn chưa đúng cách, bị dính chân côn hoặc chân côn chưa sát.
3.2. Biểu tượng báo đèn sương mù
Thường được đặt tại vị trí thấp hơn ở phía trước hoặc sau để dễ phân biệt với đèn pha hoặc đèn phanh. Thực tế, đèn sương mù ánh sáng vàng vì vậy có khả năng chiếu sáng tốt khoảng sương mù phía trước.
Cách bật đèn sương mù: Xoay núm đến ký hiệu đèn sương mù.
3.3. Biểu tượng báo hệ thống điều khiển hành trình
Hệ thống kiểm soát hành trình tự động hoạt động bằng cách theo dõi và điều chỉnh khoảng cách với xe phía trước, trong giới hạn tốc độ đã được cài đặt sẵn. Nó giúp giảm bớt sự cần thiết của việc liên tục điều chỉnh chân ga và phanh, giúp lái xe ít mệt mỏi hơn, đặc biệt khi lái xe trên các cung đường dài. Điều này không chỉ mang lại sự thoải mái cho người lái mà còn giúp tăng cường an toàn trong quá trình di chuyển.
3.4. Biểu tượng báo nhấn chân phanh
Ý nghĩa của biểu tượng ngày nhằm nhắc nhở bạn cần nhấn mạnh vào chân phanh để kích hoạt khởi động xe. Lưu ý: tuyệt đối đừng nhầm lẫn giữa chân phanh và chân ga nếu không sẽ dễ xảy ra ai nạn giao thông nguy hiểm.
3.5. Biểu tượng báo sắp hết nhiên liệu
Biểu tượng này sáng đèn khi lượng nhiên liệu của xe còn rất ít, thông báo cho người điều khiển phương tiện biết để nhanh chóng nạp thêm nhiên liệu, tránh hết nhiên liệu giữa đường.
3.6. Biểu tượng báo chế độ lái mùa đông
Trên một số ô tô có một tính năng phục vụ cho điều kiện lái vào mùa đông, hỗ trợ tài xế (thường được gọi là “Winter Mode” hoặc “Snow Mode”) trên ô tô là một thiết lập đặc biệt được thiết kế để cải thiện khả năng lái và an toàn của xe trong điều kiện đường trơn trượt do tuyết hoặc băng giá.
3.7. Biểu tượng điều khiển hệ thống định vị GPS
Thiết bị định vị GPS là một trong những thiết bị không thể thiếu ở bất cứ chiếc xe ô tô nào. Hệ thống định vị GPS được trang bị trên ô tô có 4 công dụng như sau:
– Lưu trữ thông tin hành trình của xe: Lưu lại lộ trình di chuyển của xe trong vòng 90 ngày gần nhất hoặc 1 năm.
– Xác định vị trí của xe chính xác: Xác định hướng di chuyển, vị trí trạng thái, vận tốc của xe chính xác với thời gian thực.
– Báo cáo hoạt động của xe: Báo cáo số km đã đi theo giờ hoặc theo ngày và báo cáo lượng nhiên liệu đã tiêu hao giúp quản lý và tối ưu hóa lộ trình di chuyển.
– Cảnh báo vận tốc di chuyển của xe: Nếu xe vượt quá tốc độ cho phép, thiết bị sẽ phát ra cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người lái xe.
3.8. Biểu tượng báo hiệu hệ thống điều hòa
Mỗi hãng xe sẽ có thiết kế bảng điều khiển điều hòa khác nhau nhưng về cơ bản sẽ các đặc điểm chung sau:
– Nút màu xanh biểu thị chế độ làm lạnh, màu đỏ biểu thị chế độ sưởi ấm.
– Nút A/C: Mở/tắt điều hòa.
– Nút ký hiệu hình người và mũi tên: Chỉ thị hướng gió thổi tương ứng.
– Nút Auto: Chế độ tự động.
– Nút ký hiệu hình cánh quạt: Dùng để điều chỉnh mức độ gió.
– Nút hình ô tô và mũi tên: Thể hiện phương pháp tuần hoàn gió trong xe.
3.9. Biểu tượng báo bật đèn pha
Đèn pha cung cấp mức độ chiếu sáng mạnh mẽ hơn, cho phép tài xế nhìn thấy được xa hơn so với sử dụng đèn cốt thông thường. Người lái có thể sử dụng tính năng nháy đèn pha như một phương tiện để báo hiệu ý định muốn vượt qua xe khác.
– Cách bật: Xoay núm phía ngoài về ký hiệu đèn pha, thường mặc định đèn ở chế độ chiếu gần. Chuyển sang chế độ pha bằng cách đẩy cần điều khiển đèn về phía trước.
– Cách tắt: Xoay núm phía ngoài về ký hiệu vòng tròn nhỏ hoặc chữ OFF.
3.10. Biểu tượng báo bật đèn xi nhan
Đèn xi nhan dùng khi muốn chuyển làn đường, chuyển hướng di chuyển của xe. Lái xe chỉ cần gạt cần điều khiển lên hoặc xuống để bật xi nhan.
– Gạt cần điều khiển lên trên nếu muốn xi nhan phải.
– Gạt xuống phía dưới nếu muốn xi nhan trái.
– Gạt cần về giữa như ban đầu để tắt xi nhan.
3.11. Biểu tượng báo hỗ trợ đỗ xe
Tính năng hỗ trợ đỗ xe trong ô tô là một công nghệ tiên tiến giúp tài xế đỗ xe một cách dễ dàng và an toàn hơn. Thông báo việc các cảm biến trước, sau và xung quanh xe đang hoạt động để hỗ trợ việc đỗ xe.
Tóm lại, nắm được ý nghĩa của các biểu tượng trên xe ô tô sẽ giúp cho tài xế có thể xử lý một số sự cố khi đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, sau khi khắc phục được sự cố, bạn vẫn phải mang xe ra gara kiểm tra bằng các thiết bị chuyên dụng đảm bảo xe luôn hoạt động đúng cách giúp tăng tuổi thọ của xe và đảm bảo an toàn cho bạn khi sử dụng.